Saturday, 20/04/2024 - 04:02|
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG NGÀY CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA 10/10/2022

Chương trình ngoại khóa Văn học giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa tại Trường THCS Lê Quý Đôn

Sáng ngày 04/11/2018, tại Trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Bắc Giang Phòng GD&ĐT Thành phố Bắc Giang phối hợp vớiTrung tâm giáo dục kĩ năng sống Sông Thương Garden tổ chức chương trình Ngoại khóa văn học: Giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Tại buổi ngoại khóa, nhà trường vinh dự được đón nhà thơ Trần Đăng Khoa, biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân đội, hội viên hội nhà văn Việt Nam, nguyên Giám đốc Hệ phát thanh có hình VOVTV; Phó bí thư Đảng ủy Đài tiếng nói Việt Nam. Buổi giao lưu còn có sự tham gia của các đại biểu: ông Ngọ Văn Giáp, Phó Trưởng phòng công tác chính trị tư tưởng - Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang; ông Hoàng Ngọc Thanh, thành ủy viên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bắc Giang; ông Ngô Minh Hưng, thành ủy viên, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Bắc Giang; ông Đỗ văn Thịnh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phường Xương Giang; bà Hà Thị Thuyên, Phó Chủ tịch UBND phường Xương Giang; Đại tá, nhà văn Sương Nguyệt Minh; cùng các thầy, cô giáo là cán bộ quản lí, giáo viên dạy văn, các em học sinh yêu thơ văn của các trường THCS trên địa bàn thành phố cùng toàn thể cán bộ; giáo viên nhân viên và hơn 600 em học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn.

Về dự và đưa tin buổi giao lưu còn có phóng viên Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Bắc Giang;

Các đại biểu về tham dự buổi ngoại khóa giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Mở đầu buổi giao lưu, cả sân trường bỗng rộ lên tiếng vỗ tay và reo mừng của gần 700 học sinh khi nhìn thấy nhà thơ Trần Đăng Khoa - thần tượng của mình vốn chỉ biết qua sách vở, nay xuất hiện ngay trước mắt các em như một phép màu. Em Nguyễn Thảo Nga với bài hát “Hạt gạolàng ta” do nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã khai mạc chương trình giao lưu đầy sôi động và thú vị.

Tiết mục văn nghệ khai mạcbuổi ngoại khóa của học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn

Giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa, khán giả như bị thôi miên bởi cách nói chuyện mộc mạc, dí dỏm nhưng rất sâu sắc, ý nghĩa của ông với những câu chuyện hấp dẫn kể về những mẩu chuyện đời thường vô cùng thú vị về tuổi thơ của mình: cách đặt tên con ở làng quê xưa, lai lịch cái tên Trần Đăng Khoa hay kỉ niệm buổi học đầu tiên,… Khi nói về những điểm bất lợi của mình như: thân hình cục mịch, nhiều tuổi, bụng phệ,... Trần Đăng Khoa chẳng những không ngại mà còn rất hài hước. Ông chia sẻ “bí quyết” để được khen là trẻ, ấy là khai tăng tuổi lên, hiện nay ông 60 tuổi nhưng ai hỏi ông cũng bảo 78 tuổi, thế là họ khen “Sao mà trẻ thế!”, nhưng cũng có lần gặp sự cố ngoài ý muốn. Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể câu chuyện có lần chở vợ (kém ông 15 tuổi) đi vào đường cấm, bị anh cảnh sát giao thông tuýt còi lại. Anh không phạt mà hỏi thăm: “Thế năm nay bố bao nhiêu “nhát” (tuổi) rồi?”, tưởng cũng như những lần trước để được khen là trẻ trước mặt cô vợ nên Trần Đăng Khoa trả lời “78 nhát”. Anh cảnh sát cười: “Thôi bố ơi, bố già thì chết được rồi, chỉ tội cho con gái bố...”. Khán giả được một phen cười lăn lộn.

Chia sẻ tại buổi giao lưu, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết từ năm lên 8 tuổi ông tập làm thơ, tự tìm hiểu cách gieo vần, nguyên mẫu của một số nhân vật, học cách viết của các nhà thơ khác; con đường đến với thơ văn của Trần Đăng Khoa qua lời kể của ông cũng rất tự nhiên, ấy là lần đầu tiên ông được đọc tập thơ “Tấm lòng chúng em”, viết về Bác Hồ của các tác giả nhỏ tuổi. Những lời thơ mộc mạc, thơ ngây, chan chứa tình cảm của các em thiếu nhi trong tập thơ đã cuốn hút Trần Đăng Khoa ngay lập tức và Khoa nghĩ các bạn làm được thì mình cũng làm được và từ đấy rất chịu khó đọc sách với một tâm thế: Đọc để tập làm thơ. Kể về kỷ niệm khi viết những bài thơ đầu tiên như: “Xem ảnh Bác Hồ”, “Sao không về Vàng ơi”, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng lúc ấy lời thơ của mình còn rất ngây ngô, thấy gì viết nấy, khi đưa in lên báo đã được các nhà thơ, nhà văn tên tuổi chữa cho vài từ rất chuẩn và trở thành bài thơ hay, từ đó ông hiểu ra được rằng: Thơ là nghệ thuật hư cấu chứ không phải có gì viết nấy. Nhà thơ Trần Đăng Khoa tự hào về bản thân mình: “Tôi rất xoàng, chẳng có tài cán gì, chỉ có một ưu điểm là chịu khó đọc sách...”.

Phần nói chuyện về văn hóa đọc của nhà thơ Trần Đăng Khoa như một cơn mưa mát lành thỏa mãn cơn khát mong mỏi, đợi chờ của các bạn học sinh suốt thời gian qua. Với sự dí dỏm, hài hước, gần gũi, cởi mở nhưng cũng không kém phần uyên thâm, sâu sắc, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã bàn về văn hóa đọc với các bạn học sinh. Không phải là những lời khuyên khô cứng, những huấn dụ giáo điều mà thông điệp về văn hóa đọc được truyền tải qua những câu chuyện thực tế, rất hài hước mà hấp dẫn từ chính sự trải nghiệm của nhà thơ. Học sinh được khám phá thế giới tuổi thơ của cậu bé Khoa rất tinh nghịch, hồn nhiên và yêu sách tha thiết, đọc sách không biết chán từ tủ sách khổng lồ của người anh làm giáo viên. Học sinh được nghe kỷ niệm thời đi học của nhà thơ Trần Đăng Khoa, ông luôn thuộc bài tại lớp vì đã đọc sách giáo khoa trước khi nghe giảng. Được một bạn học sinh đặt câu hỏi: Làm thế nào để làm thơ hay và viết văn tốt, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Tất cả bí mật nằm hết ở trong sách; Sách là người thầy lớn nhất; phải chịu khó đọc sách, tự đào tạo mới là quan trọng nhất”. Ông cũng khuyên các bạn học sinh bớt chơi games, dành thời gian đọc sách để cập nhật kiến thức, trau dồi nhân cách để ngày càng trưởng thành. Ông nói: “Thần đồng, thần đất gì cũng thế thôi, chân trời không ở đâu xa mà ở ngay dưới chân các cháu, phải cố gắng học để bay lên”. Đan xen những câu chuyện, diễn giả đã đọc một số bài thơ minh chứng cho kinh nghiệm lấy thực tế cuộc sống để làm cảm hứng sáng tác thơ.

 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa giao lưu với các bạn học sinh.

Phần giao lưu với độc giả thực sự hấp dẫn. Với một số câu hỏi của học sinh về cảm hứng thơ văn, kinh nghiệm học tập, sáng tác, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã giải đáp các câu hỏi bằng những mẩu chuyện hết sức lí thú, lôi cuốn.

Nhà thơ còn trao tặng các bạn học sinh tiêu biểu đã đạt thành tích cao trong kì thi học sinh giỏi môn ngữ văn cấp thành phố những phần quà lưu niệm đầy ý nghĩa.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa trao tặng quà lưu niệm cho các học sinh tiêu biểu.

Kết thúc buổi giao lưu, ông Ngô Minh Hưng, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Bắc Giang lên tặng hoa trân trọng cảm ơnvà cùng chụp ảnh lưu niệm với nhà thơ.

Chụp ảnh lưu niệm cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa

Chương trình Ngoại khóa văn học: Giao lưu với nhà văn, nhà thơ Trần Đăng Khoa kết thúc, để lại biết bao cảm xúc, ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc trong lòng các đại biểu cũng như thầy trò nhà trường. Qua cuộc trò chuyện giao lưu này đã giúp các em học sinh hiểu hơn ý nghĩa của việc đọc sách. Từ đó bồi dưỡng cho các em về tâm hồn, vốn sống, tình yêu thơ ca, kỹ năng cảm thụ, sáng tác cũng như truyền thêm lửa tình yêu môn Ngữ văn. Đây cũng là dịp để các thầy cô giáo trau dồi thêm kinh nghiệm giảng dạy bộ môn Ngữ văn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Những dòng lưu bút của nhà thơ Trần Đăng Khoa  ghi lại cảm xúc trong buổi về giao lưu tại Trường THCS Lê Quý Đôn.

 

Lượt xem: 2.159
Tác giả: Giáo viên Hoàng Bích Vân- Tổ Khoa học xã hội.
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 81
Hôm qua : 599
Tháng 04 : 6.198
Năm 2024 : 86.639